PHỐI HỢP VỚI C50 ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Để đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật về thương mại điện tử, ngày 17 tháng 03 năm 2016, Cục TMĐT và CNTT đã có buổi làm việc với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công An (C50) về việc phối hợp kiểm tra hoạt động TMĐT trên địa bàn cả nước năm 2016. Tại buổi làm việc, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT cho biết  trong vòng 5 năm tới thị trường thương mại điện tử sẽ bùng nổ mạnh mẽ. Hạ tầng internet, công nghệ thông tin truyền thông cho thương mại điện tử phát triển, tạo điều kiện rất thuận lợi để tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công. Chính vì điều đó, trong những năm tới tình hình vi phạm trong thương mại điện tử sẽ diễn biến hết sức phức tạp, xu hướng ngày càng tinh vi hơn về cả quy mô và mức độ. Cục TMĐT và CNTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật và phối hợp với các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường, C50, PC50… trong việc xử lý các hành vi lợi dụng TMĐT để trục lợi, lừa đảo đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, nhóm các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử… Tăng cường công tác cảnh báo tới người tiêu dùng, nhằm mục tiêu minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo lòng tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến… Trước đó, trong năm 2015, Cục TMĐT và CNTT đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An,C50, C46,  PC50 … phát hiện và xử lý trên 150 trường hợp vi phạm về thương mại điện tử với tổng mức xử phạt trên 3 tỷ đồng, trong đó có 4 sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đại tá Phan Quang Phương – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công An (C50) cho biết theo đánh giá của Interpol thì  tội phạm công nghệ cao nguy hiểm thứ hai sau tội phạm khủng bố. Ở Việt Nam, loại tội phạm này ngày càng có diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm của nó chỉ xếp sau tội phạm hình sự và tội phạm ma túy.  Các xác định đối tượng, thu thập thông tin. chứng cứ, hành vi vi phạm và công nghệ sử dụng… cũng rất phức tạp. Ông Phương cũng đã trao đổi về một số các vấn đề pháp lý liên quan tới  việc xử lý các hành vi vi phạm của đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao (ví dụ như vấn đề thu thập chứng cứ điện tử…) đã được thể hiện trong Bộ Luật hình sự sửa đổi; Bộ Luật Tố tụng hình sự ..v.v. Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Phan Quang Phương cũng nhấn mạnh hai Cục cần phải phối hợp thường xuyên hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực TMĐT.. Trước đó,   Cục C50 đã thành lập Phòng 4 về Thương mại điện tử nhằm tăng cường công tác kiểm tra, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực TMĐT.

Hai bên đã thống nhất một số nội dung phối hợp:

1. Xây dựng bộ Quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, giữa hai đơn vị Cục TMĐT và CNNT với Cục C50;

2. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT;

3.  Phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý của hai đơn vị.

Theo online.gov.vn

 Tại Nghị định số 127/2015/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương, Chính phủ đã giao cho Cục TMĐT và CNTT thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Nội dung hoạt động thanh tra chuyên ngành thương mại điện tử được quy định cụ thể tại Điều 29 của Nghị định 127/2015/NĐ-CP.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *